Tọa đàm Talk&Think: Kinh tế Việt Nam trước bối cảnh mới

Quốc gia nào cũng có những thành quả dễ dàng, mà kinh tế gọi là trái cây thấp dễ hái. Việt Nam đã có những giai đoạn phát triển tương đối cao, nhờ vào các yếu tố như giao đất cho nông dân, mở cửa cho vốn nước ngoài, và luật doanh nghiệp. Đó đều là những thành quả tương đối dễ dàng nhờ sức lao động, đất đai và tiền vốn. Tuy nhiên, những yếu tố thành công đó đã đến hạn, giống như những trái cây thấp dễ hái đã hết. Để vươn tới những trái ở cao hơn, cần đến yếu tố quản trị.

Kinh tế thế giới năm 2015 đang tiềm ẩn nhiều biến động lớn. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn kéo dài nhiều năm qua, nên rất nhạy cảm với mọi biến động. Để cùng cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho chặng đường sắp tới, Tọa đàm Talk&Think đầu năm đã đón nhận buổi chia sẻ của Giáo sư David Dapice – Giáo sư Đại học Harvard và Tuft (Hoa Kỳ). Cùng với sự tham dự của các lãnh đạo doanh nghiệp, Gs đã trao đổi về tình hình kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam.

 

Gs. David Dapice là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á, ông đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. Ông từng là cố vấn trưởng cho Bộ Tài chính Indonesia trong giai đoạn kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng. Từ cuối thập niên 1980, ông đã có mối quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều nghiên cứu chính sách, cụ thể là công trình “Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Nam Á và tương lai Việt Nam” và chủ biên cuốn sách “Theo hướng rồng bay” dành riêng cho Việt Nam. Trong hàng chục năm qua, Gs. Dapice thường xuyên tham gia tư vấn chính sách kinh tế cho Chính phủ Việt Nam.

Tọa đàm đã bắt đầu bằng bức tranh kinh tế thế giới. Khối các nước giàu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định. Các nước đang phát triển vẫn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhưng giảm dần. Các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… đều đang nỗ lực vượt lên để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đang tụt lại phía sau các nước này và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Phần lớn thời gian của Tọa đàm được dành để thảo luận tình thế của kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Trong đó có nhiều thách thức như: Quan hệ đối ngoại khó khăn, đặc biệt là vấn đề biển Đông; Kinh tế trong nước khó khăn, những mảng lớn như ngân hàng và bất động sản vẫn chưa có lối thoát; Về mặt xã hội, thế hệ trẻ đang có những đòi hỏi ngày càng cao, và kém kiên nhẫn hơn các thế hệ trước.

Gs. Dapice chỉ ra một vấn đề nổi trội là hiệu quả kinh tế của Việt Nam thấp, đặc biệt là hiệu quả đầu tư. Ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng bị dàn trải cho cả 64 tỉnh thành, trong khi chỉ khoảng hơn 10 tỉnh thành cần số tiền đó. Hiệu quả đầu tư được dẫn chứng từ báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014, đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam chiếm 12% GDP, nhưng điểm hạ tầng chỉ đạt 3,5 (trên thang điểm 7), trong khi Indonesia chỉ đầu tư 7% GDP nhưng đạt 4,5 điểm.

Bên cạnh đó, ông nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lao động có khả năng học hỏi nhanh… để thu hút đầu tư nước ngoài, so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Ấn Độ. Tuy nhiên, ông khẳng định “Việc sử dụng nguồn vốn FDI hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh của Chính phủ”. Năm 2008, Việt nam từng thu hút gần 20% tổng số vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, nhưng đến nay chỉ còn 7%. Như vậy vốn FDI bình quân trên đầu người ở nước ta không bằng một nửa so với bình quân trong khu vực.

Một lãnh đạo đã đề nghị tư vấn cho Chính phủ để đáp ứng với những thách thức và khó khăn nói trên. Với tình hình hiện nay, Giáo sư cho rằng trong năm 2015 Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 7% thay vì 5,6% như dự báo của Ngân hàng Thế giới nếu Chính phủ xác định rõ mình muốn điều gì.

Phân tích sâu hơn về hiệu quả kinh tế, ông cho là Việt Nam cần tạo một sân chơi công bằng cho cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Về phía DNNN, Việt Nam cần tránh lặp lại những sai lầm cũ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết. “Các bạn không cần DNNN làm những điều không thể, chỉ cần tạo động lực để họ trở nên cạnh tranh hơn”. Về phía DNTN, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn và tạo điều kiện phát triển. Chính phủ cũng nên cho phép và hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp do DNTN tự thành lập, để khắc phục các điểm yếu của DNTN.

Tọa đàm Talk&Think đầu năm đã kết thúc với nhiều trăn trở của các lãnh đạo doanh nghiệp. Cần phải làm gì để khai thác cơ hội trong chặng đường sắp tới, đồng thời vượt qua những thách thức và những biến động tiềm ẩn. Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn gặt hái thành quả dễ dàng, như những trái thấp dễ hái. Để vươn lên những trái cao hơn, cần nỗ lực lớn hơn, và những nỗ lực đó cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và Chính phủ.